backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bà bầu ăn khoai môn được không? Cách ăn an toàn trong thai kỳ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 14/11/2023

    Bà bầu ăn khoai môn được không? Cách ăn an toàn trong thai kỳ

    Khoai môn là một loại củ rất quen thuộc với các bà nội trợ Việt Nam. Khoai môn rất giàu dinh dưỡng, có thể chế biến nhiều món ngon như các món hầm, canh, chiên, làm xôi, bánh mứt, trà sữa, chè… Thế nhưng, trong thai kỳ, bà bầu cần tránh ăn một số thực phẩm để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé. Vậy, bà bầu ăn khoai môn được không?

    Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trở nên nhạy cảm hơn với một số loại thực phẩm. Chính vì vậy mà việc ăn gì, kiêng gì luôn được các mẹ bầu quan tâm. Khoai môn tuy là một loại củ quen thuộc và khá lành tính, nhưng đôi khi lại có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người dùng. Do đó, vấn đề “Mẹ bầu ăn khoai môn được không?” được nhiều chị em bầu bí quan tâm. Để có được lời đáp chi tiết nhất, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

    Giá trị dinh dưỡng của khoai môn

    Trước khi biết được “Có bầu ăn khoai môn được không?”, cùng tìm hiểu thành phần dinh dưỡng của loại củ này.

    Trong 100g khoai môn thì có chứa tới:

    • Calo: 109 Kcal
    • Protein: 1.5g
    • Glucid: 25.5g
    • Lipid:  0.2g
    • Chất xơ: 1.5g
    • Canxi: 44mg
    • Phosphate: 44mg

    Ngoài ra, loại củ này còn cung cấp các loại vitamin, khoáng chất khác như:

    • Vitamin A
    • Vitamin B1 (thiamin)
    • Vitamin B2 (riboflavin)
    • Vitamin B5 (axit pantothenic)
    • Vitamin B6 (pyridoxine)
    • Vitamin B9 (folate)
    • Vitamin C
    • Vitamin E
    • Mangan
    • Kali
    • Natri
    • Magiê
    • Kẽm
    • Đồng
    • Sắt
    • Choline… 

    Giải đáp thắc mắc: Bà bầu ăn khoai môn được không?

    bà bầu ăn khoai môn được không

    Từ những thành phần dinh dưỡng đã kể trên, liệu mẹ bầu (cụ thể là đang mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và kể cả 3 tháng cuối thai kỳ) ăn khoai môn được không? Câu trả lời là “Được”. Nếu là fan của loại củ này, các chị em bầu bí có thể an tâm ăn trong thai kỳ, miễn là sử dụng đúng cách và tuân thủ những biện pháp an toàn được hướng dẫn trong bài viết này.

    Mẹ bầu ăn khoai môn không chỉ nhận được hàm lượng dinh dưỡng dồi dào từ loại củ này, mà còn góp phần đa dạng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày nữa đấy! Với khoai môn, các chị em bầu bí có thể chế biến thành món canh hầm bổ dưỡng, món chè thanh ngọt giải khát hay các loại bánh từ mặn đến ngọt.

    6 lợi ích của khoai môn đối với mẹ bầu

    Để hiểu rõ vì sao lời đáp của vấn đề “Bà bầu ăn khoai môn được không?” là “Được”, mời bạn cùng Hello Bacsi khám phá những lợi ích nổi bật của loại củ này đối với phụ nữ mang thai.

    1. Giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa cho mẹ bầu

    Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị táo bón, đặc biệt là giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 khi mà thai nhi lớn, tử cung chèn ép nhiều đến các bộ phận xung quanh. Việc ngồi lâu trong lúc đi vệ sinh rất có hại cho cả mẹ và bé, một số trường hợp ghi nhận sảy thai do ngồi vệ sinh quá lâu, đặc biệt là với bồn cầu bệt. Việc lựa chọn thực phẩm có hàm lượng chất xơ dồi dào được khuyên áp dụng cho toàn bộ thai kỳ. Khoai môn là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời, giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, điều hòa nhu động ruột. Phụ nữ ăn khoai môn khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa táo bón, giảm cholesterol trong máu, kiểm soát lượng đường trong máu…

    2. Khoai môn giúp tăng cường hệ miễn dịch

    Khoai môn rất giàu chất chống oxy hóa, có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và bệnh tật. Ngoài ra, hàm lượng dồi dào các vitamin và khoáng chất có trong khoai môn cũng sẽ làm tăng sức đề kháng của mẹ bầu giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh do vi khuẩn, virus gây ra như ho, cảm cúm, sốt… Vì vậy, mẹ bầu nên thêm khoai môn vào thực đơn để nâng cao sức đề kháng nhé!

    3. Mẹ bầu ăn khoai môn giúp điều hòa huyết áp

    bà bầu ăn khoai môn được không

    Trong quá trình mang thai, những thay đổi về sinh lý tim mạch (như tăng nhịp tim, tăng thể tích máu) khiến cho một số bộ phận của cơ thể buộc phải tăng sinh mạch máu. Chính vì vậy, cơ thể của người phụ nữ mang thai đòi hỏi lưu lượng máu nhiều hơn ở một số bộ phận như vú, tử cung, nhau thai… Điều này có thể gây tăng áp lực lên thành mạch máu, khiến cho huyết áp tăng lên. Tình trạng huyết áp cao khi mang thai có thể dẫn đến một số biến chứng, chẳng hạn như tiền sản giật. Khoai môn là nguồn cung cấp kali dồi dào, khoáng chất rất cần thiết cho quá trình điều hòa huyết áp.

    Bên cạnh đó, hàm lượng magiê và sắt có trong khoai môn còn hỗ trợ duy trì huyết áp khỏe mạnh, tăng cường chức năng cơ và khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể.

    4. Khoai môn giúp ngăn ngừa thiếu máu cho mẹ bầu

    Thời kỳ mang thai, lượng sắt mà mẹ bầu cần là rất lớn để tránh tình trạng thiếu máu ở mẹ và suy dinh dưỡng ở thai nhi. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc “Bà bầu ăn khoai môn được?”, hãy nhớ rằng khoai môn là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào. Khoáng chất này rất cần thiết cho việc sản xuất huyết sắc tố, một loại protein vận chuyển oxy trong máu. Việc thiếu hụt sắt khi mang thai có thể dẫn đến thiếu máu, gây mệt mỏi, suy nhược và nhiều biến chứng khác.

    5. Khoai môn góp phần ngăn ngừa dị tật bẩm sinh

    Vitamin B9 (folate) có vai trò vô cùng quan trọng hỗ trợ cho quá trình cung cấp những tế bào máu cho cơ thể, chúng giúp sản xuất tế bào mới gồm có hồng cầu . Thế nên, việc bổ sung đủ lượng vitamin B9 cho bà bầu và thai nhi là rất cần thiết để ngăn ngừa chứng thiếu máu. Từ đó, hạn chế các trường hợp sảy thai, sinh non, trẻ bị chứng rối loạn tâm thần, suy dinh dưỡng… Ngoài ra, folate giúp ngăn ngừa nguy cơ bị dị tật bẩm sinh như tật nứt đốt sống ở thai nhi. Việc bổ sung đầy đủ folate trong thời kỳ mang thai cũng giúp làm giảm thiểu nguy cơ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, chậm nói ở trẻ nhỏ.

    Như đã đề cập, khoai môn là nguồn cung cấp phức hợp các vitamin nhóm B, trong đó có vitamin B9 (folate). Vì vậy, mẹ bầu nên bổ sung khoai môn vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình.

    6. Khoai môn giúp giảm stress oxy hóa

    Khoai môn rất giàu vitamin C và vitamin E. Đây là những chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do, giảm stress oxy hóa cho mẹ bầu. Tình trạng stress oxy hóa có thể góp phần gây tăng huyết áp và tiền sản giật khi mang thai.

    Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy chức năng chống oxy hóa tăng lên khi chế độ ăn chứa nhiều chất xơ. May mắn thay, khoai môn lại là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Do đó, mẹ bầu nên ăn khoai môn để nâng cao khả năng chống oxy hóa của cơ thể.

    Rủi ro khi mẹ bầu ăn khoai môn trong thai kỳ

    bà bầu ăn khoai môn được không

    Mặc dù câu trả lời cho băn khoăn “Bà bầu ăn khoai môn được không?” là các chị em bầu bí có thể thưởng thức loại củ này, nhưng mẹ bầu vẫn cần lưu ý một số rủi ro sau đây khi tiêu thụ khoai môn trong thai kỳ:

    • Khoai môn có thể gây dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng với khoai môn, dẫn đến các triệu chứng như nổi mề đay, ngứa và khó thở. Do đó, nếu mẹ bầu có tiền sử dị ứng với khoai môn, tốt nhất là nên tránh xa loại củ này.
    • Khoai môn có thể gây ngộ độc: Vì được trồng trong đất nên khoai môn có thể bị nhiễm vi khuẩn có hại, chẳng hạn như E. coli và Salmonella, có thể gây ra các bệnh do thực phẩm. Chính vì vậy mà các chị em bầu bí cần đảm bảo khoai môn được rửa sạch, nấu chín đúng cách để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
    • Khoai môn có hàm lượng oxalate cao: Hàm lượng oxalate có trong khoai môn có thể cản trở sự hấp thụ canxi và góp phần hình thành sỏi thận. Mặc dù đây không phải là mối lo ngại đáng kể đối với hầu hết mọi người, nhưng phụ nữ mang thai có nguy cơ phát triển sỏi thận cao hơn nên cần tiêu thụ khoai môn ở mức độ vừa phải.

    Bà bầu ăn khoai môn: Cần lưu ý điều gì? 

    bà bầu ăn khoai môn được không

    Đến đây, chắc hẳn là bạn đã không còn thắc mắc “Mẹ bầu ăn khoai môn được không?” nữa rồi. Để đảm bảo an toàn trong thai kỳ, mẹ bầu cần ghi nhớ cách ăn khoai môn đúng chuẩn khoa học và an toàn sau đây:

    • Chọn mua những củ khoai môn có hình dáng tròn đều, không sâu, dập, hư hỏng.
    • Rửa kỹ khoai môn trước khi nấu hoặc gọt vỏ để loại bỏ bụi bẩn hoặc vi khuẩn.
    • Nên mang bao tay khi chế biến khoai môn sống vì vỏ và thịt của củ khoai môn chưa nấu chín có chứa lượng lớn hợp chất oxalate, có thể gây kích ứng da khi chạm vào.
    • Nấu chín khoai môn đến khi mềm và chín hoàn toàn để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Mẹ bầu có thể làm chín khoai bằng bất kỳ hình thức luộc, hấp, nướng hoặc chiên đều được. Tuy nhiên mẹ bầu hãy lưu ý rằng giá trị dinh dưỡng có thể thay đổi tùy thuộc vào cách chế biến và loại khoai môn. Chẳng hạn, khoai môn luộc có thể cung cấp nhiều dưỡng chất hơn so với khoai môn chiên vì không có dầu và gia vị. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên kết hợp nấu khoai môn cùng các loại thực phẩm khác để đảm bảo dinh dưỡng cân bằng và đa dạng.
    • Tiêu thụ lượng vừa phải khoai môn, tránh ăn quá nhiều vì nếu không có thể dẫn đến hấp thụ quá nhiều oxalate, gây ra các vấn đề về sức khỏe khi mang thai. Lượng khoai môn được khuyên dùng là 100g- 200g/ ngày đối với mẹ bầu.

    Bạn có thể quan tâm:

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được bà bầu ăn khoai môn được không. Chế độ dinh dưỡng khi mang thai là điều mà các chị em bầu bí nên chú trọng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác về việc ăn khoai môn trong thai kỳ, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn kỹ càng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 14/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo