backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ là gì, trẻ có nguy cơ hói vĩnh viễn không?

Thông tin kiểm chứng bởi: Lan Quan


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 11/07/2023

    Rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ là gì, trẻ có nguy cơ hói vĩnh viễn không?

    Tình trạng rụng tóc vành khăn khiến bé bị rụng tóc cả mảng, gây hói sau đầu làm bố mẹ lo lắng. Vậy cụ thể rụng tóc vành khăn là gì, nguyên nhân do đâu, cách khắc phục ra sao?

    Bố mẹ có biết, không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ vẫn có thể bị rụng tóc cả mảng mà dân gian thường gọi là trẻ bị rụng tóc vành khăn? Khi mắc phải tình trạng này, tóc con sẽ dần mất đi một mảng lớn, trông như bị hói. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết về trẻ bị rụng tóc vành khăn qua bài viết dưới đây bạn nhé!

    Rụng tóc vành khăn là gì? Có nguy hiểm không? 

    Rụng tóc vành khăn (Alopecia areata) là một dạng rụng tóc do cơ chế tự miễn gây ra và thường xảy ra ở trẻ em cũng như người lớn. Tuy nghe qua có vẻ nghiêm trọng nhưng thực chất tình trạng này sẽ không ảnh hưởng đến nang tóc hoặc da đầu hoặc là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì thế, nếu bố mẹ có cách chăm sóc phù hợp, hiện tượng rụng tóc vành khăn sẽ được cải thiện trong tương lai.

    Nguyên nhân khiến trẻ bị rụng tóc vành khăn

    nguyên nhân trẻ bị rụng tóc vành khăn

    Nguyên nhân khiến trẻ bị rụng tóc vành khăn có thể kể đến như sau: 

  • Thiếu vitamin D hoặc bệnh còi xương: Theo các chuyên gia nhi khoa, tình trạng rụng tóc vành khăn là một trong số các triệu chứng của tình trạng thiếu vitamin D hoặc bệnh còi xương ở trẻ. Trẻ bị rụng tóc vành khăn thường có thêm các triệu chứng như: 
    • Phần thóp (đỉnh đầu) của bé sờ vào thấy mềm, lâu đóng thóp và thóp có thể phập phồng theo nhịp thở
    • Chậm mọc răng, chậm biết lẫy/lật, chậm biết bò hoặc chậm biết đi hơn so với mốc phát triển bình thường của trẻ
  • Nằm nhiều một tư thế: Nếu phần lớn thời gian của bé là nằm với tư thế nằm ngửa, vùng phía sau đầu tiếp xúc trực tiếp với mặt gối/nệm… trong thời gian dài khiến cho tóc và da đầu bị chà xát, dẫn đến việc tóc dễ gãy rụng và khó mọc hơn. Đối với trẻ mà tóc có kết cấu mảnh, dễ rụng thì hay xuất hiện tình trạng rụng tóc vành khăn hơn các trẻ có tóc cứng và chắc khỏe. 
  • Sử dụng nhiều thuốc kháng sinh: Khi trẻ nhỏ bị ốm và được chỉ định dùng thuốc kháng sinh dài ngày, liều cao thì có thể gặp phải tác dụng phụ gây rụng tóc. 
  • Nấm da đầu: Nếu bạn nhận thấy trẻ bị rụng tóc và có những mảng da đầu trống, không mọc tóc thì rất có thể bị con đang bị mắc một vài dạng nấm da đầu, gây ra hiện tượng rụng tóc vành khăn.
  • Tác động cơ học: Một số bé có thói quen kéo, xoắn tóc của mình khiến cho tóc bị tổn thương và rụng. Đây là hành vi do bé chưa biết kiểm soát cảm xúc hoặc do thiếu sự quan tâm của người lớn.
  • Trẻ bị rụng tóc vành khăn nên bổ sung gì? Cách khắc phục ra sao?

    trẻ bị rụng tóc vành khăn: cách khắc phục

    Trẻ bị rụng tóc vành khăn nên bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để kích thích cho sự phát triển của tóc, đặc biệt là vitamin D, canxi, kẽm, sắt và vitamin B. Các chất này có thể được cung cấp qua thực phẩm trong chế độ ăn dặm hoặc thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ. Vai trò của các dưỡng chất này cụ thể như sau: 

    Vitamin D

    • Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể trẻ hấp thu canxi tối đa, cải thiện tình trạng trẻ bị rụng tóc vành khăn do thiếu canxi. Ngoài ra, vitamin D còn có công dụng ngăn ngừa tình trạng vàng da và suy dinh dưỡng ở trẻ
    • Vitamin D có thể được hấp thụ từ ánh nắng mặt trời hoặc thông qua các loại thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, cá ngừ, trứng gà, sữa chua, phô mai…

    Canxi

    • Canxi có khả năng giúp răng, tóc và xương của trẻ được phát triển bình thường, từ đó giúp đẩy lùi tình trạng rụng tóc vành khăn. Đây cũng là chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, giúp trẻ ngủ ngon và ít quấy khóc. 
    • Khoáng chất này có thể được cung cấp qua các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, đậu nành, rau xanh…

    Kẽm

    • Khoáng chất kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh tế bào mới. Khi tế bào da đầu không nhận được đủ kẽm thông qua chế độ ăn uống, quá trình sản sinh nang tóc mới sẽ bị đình trệ, khiến tóc rụng nhiều.
    • Bố mẹ hãy bổ sung kẽm cho bé qua các loại thực phẩm giàu kẽm như các loại thịt đỏ, hải sản, hạt hướng dương, hạt lanh…
    • Trong trường hợp bé vẫn chưa đến thời kỳ ăn dặm. Bạn nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc bổ sung kẽm theo liều lượng phù hợp.

    Sắt

    • Khoáng chất cần thiết trong hoạt động tạo máu. Khi trẻ thiếu sắt, các tế bào hồng cầu trong máu không thể vận chuyển đủ oxy tới các cơ quan của cơ thể. Tình trạng thiếu oxy ở tế bào não khiến trẻ luôn mệt mỏi và buồn ngủ. Trong khi đó, các nang tóc thiếu oxy sẽ có có thể bị gãy rụng, tóc thưa, mỏng.
    • Với trẻ đã bước vào giai đoạn ăn dặm, bố mẹ hãy chú ý bổ sung sắt cho bé qua các loại thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan, trứng, rau xanh, các loại hạt đậu khô…

    Vitamin B

    • Vitamin B là nhóm vitamin gồm nhiều loại có tác dụng giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ chuyển hóa các chất dinh dưỡng, kích thích mọc tóc và từ đó hỗ trợ giảm nguy cơ bị rụng tóc vành khăn.
    • Vitamin B có thể được cung cấp qua các loại thực phẩm giàu vitamin B như ngũ cốc nguyên hạt, quả óc chó, chuối, cam, dâu tây…

    Ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng cho trẻ, bố mẹ cũng nên chú ý đến việc vệ sinh da đầu cho bé sạch sẽ, không để tóc bị ẩm ướt quá lâu sau khi tắm, chải tóc cho bé thường xuyên, không dùng chung gối, khăn với các thành viên khác trong gia đình.

    Bên cạnh đó, hãy chú ý thay đổi tư thế nằm cho bé thường xuyên, không nên chèn gối quá cao hoặc quá cứng cho bé, nên cân nhắc đến việc dùng gối hình chữ U để giảm áp lực lên vùng sau gáy của bé. 

    Vừa rồi là các thông tin xoay quanh chủ đề rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ là gì, nguyên nhân trẻ bị rụng tóc vành khăn lẫn cách khắc phục. Các bậc cha mẹ đừng quên truy cập Hello Bacsi thường xuyên để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích về chủ đề chăm sóc sức khỏe trẻ em nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lan Quan


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 11/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo